Dậy thì là giai đoạn thay đổi về tâm sinh lý khiến con dễ trở nên bướng bỉnh , khó bảo

Dậy thì là giai đoạn con thay đổi từ một đứa trẻ thành người trưởng thành nên tâm sinh lý của còn chưa ổn định. Vậy cha mẹ nên xử lý như nào khi con trở nên bướng bỉnh, chống đối trong tuổi dậy thì?

Khi con trở nên bướng bỉnh hay chống đối cha mẹ thường có xu hướng nghĩ đó là vấn đề xuất phát từ các con đang trong tuổi dậy thì tâm sinh lý chưa ổn định mà quên mất rằng chính mình cũng có thể là tác nhân khiến con “nổi loạn”.

Theo các chuyên gia tâm lý,tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp giữa cái tuổi “trẻ con chưa qua, người lớn chưa tới”. Do đó đây cũng là giai đoạn khủng hoảng nhất trong quá trình phát triển của con. Mỗi đứa trẻ có một cách biểu hiện khác nhau ở tuổi dậy thì, tùy thuộc vào tính cách, môi trường sống, nền tảng giáo dục.

Đây cũng là thời kỳ mà con sẽ phải đối mặt với những thay đổi, thậm chí là những mâu thuẫn trong chính bản thân về đời sống tinh thần, biến đổi cảm xúc, tâm sinh lý…Bởi vì lẽ đó mà việc con trở nên khó bảo khi bước vào tuổi này tưởng như là vấn đề bất thường nhưng nếu được nhìn nhận một cách đúng đắn thì hoàn toàn có nguyên do. 

Theo các nhà tâm lý học, từ khi chào đời cho đến lúc về già, con người sẽ trải qua các cuộc khủng hoảng tâm lý lứa tuổi như tuổi lên 3, tuổi dậy thì, tuổi trung niên…Trong đó khủng hoảng tuổi dậy thì, còn gọi là “tuổi bất trị”, được coi là phức tạp, đầy biến động và có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của một con người.

      Khủng hoảng tuổi dậy thì hiện đang là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh 

Ở tuổi dậy thì (từ 11 đến 12 tuổi đối với nữ giới; từ 13 đến 14 tuổi với nam giới) con thường xuất hiện rất nhiều đặc điểm tâm lý mới do sự thay đổi các hoocmon, các tuyến nội tiết trong cơ thể cùng với sự thay đổi tâm lý. Từ đó các con có những thay đổi trong cung cách xử sự cả ở nơi gia đình, trường học và các mối quan hệ xã hội.

Chuyên viên tâm lý Đặng Thảo chỉ ra hai đặc điểm tâm lý quan trọng xuất hiện ở tuổi “ô mai”, đó là cảm thức trưởng thành và nguyện vọng độc lập tách khỏi cha mẹ của con. Chính việc xuất hiện của 2 đặc điểm tâm lý trên mà dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách con giao tiếp và đối xử với cha mẹ và những người xung quanh. Biểu hiện của đặc điểm này là thái độ muốn làm người lớn, khẳng định mình, độc lập, được thừa nhận và tôn trọng; không muốn bị kiểm soát, áp đặt hay tham gia quá sâu vào đời sống riêng tư. Suy cho cùng tâm lý của các con là muốn được người khác thừa nhận mình là người lớn.

Cuộc sống ngày nay quá bận rộn, cha mẹ thì bận công việc, con cái thì bận học hành, (bạn bè, mạng xã hội...) nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa... Vậy cha mẹ cần làm gì khi con ở tuổi dậy thì. 

Không ép buộc con

  Ép buộc chỉ khiến con muốn phản kháng, hành động trái ngược lại với lời cha mẹ nói  

Khi ép con làm một điều gì đó, bé thường có tâm lý chống đối và làm ngược lại những gì cha mẹ nói. Đây là tâm lý rất thường thấy ở các trẻ bướng bỉnh và cũng là bản năng của một số người lớn chúng ta.

Để tránh tâm lý chống đối này, bạn cần kết nối được với con. Ví dụ như khi con vẫn ngồi xem tivi dù đã quá giờ đi ngủ, thay vì ép buộc bé tắt tivi, bạn hãy ngồi xem cùng con và thể hiện sự quan tâm đến những gì con đang xem. Hãy cùng bé bàn luận về chương trình tivi để có được sự chú ý của bé và dần hướng sự chú ý này sang việc đi ngủ. Con sẽ hợp tác hơn khi thấy bạn quan tâm như vậy đấy.

Tạo thói quen tuân theo quy định và có thưởng, phạt

  Thưởng, phạt đúng lúc sẽ khuyến khích con hình thành những thói quen tốt 

Bước vào tuổi dậy thì tâm sinh lý trẻ thay đổi rất phức tạp, vui buồn thất thường, hay nóng nảy, cáu giận và cũng rất dễ tự ái, tổn thương...

Để tạo mối quan hệ gần gũi với con trong giai đoạn này, trước tiên cha mẹ cần có sự nhất quán trong việc cư xử, trò chuyện với con. Bố mẹ hãy cùng thiết lập một kỷ luật chung về giờ giấc sinh hoạt cho cả gia đình và là người đầu tiên tôn trọng, tuân thủ quy định đó.

Kỷ luật này giúp rèn luyện để các con có thói quen sinh hoạt, học tập đúng giờ. Giúp trẻ hình thành thói quen tốt như không xem TV, sử dụng máy tính, điện thoại... sau một thời gian nhất định, dọn dẹp bát đĩa, đánh răng và đi ngủ vào giờ thích hợp. Tốt nhất, hãy lập bảng công việc cho cả tháng. Nói với trẻ nếu chúng làm theo thói quen đó, trẻ sẽ nhận được một số phần thưởng do chúng lựa chọn.

Hãy lắng nghe để thấu hiểu con tuổi dậy thì

 Lắng nghe là cách để mẹ có thể thấu hiểu để để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con.

Cha mẹ cần biết về tâm lý tuổi dậy thì, hãy lắng nghe để hiểu con. Rồi đặt mình vào vị trí của con để xem con có những tâm tư, nguyện vọng gì.

Nếu không đặt vào vị trí của con, để hiểu con thì không bao giờ dạy được con. Đặc biệt, khi trẻ ở tuổi dậy thì, cha mẹ không được nói theo kiểu ra lệnh hoặc cấm đoán. Làm như thế sẽ gặp phản ứng mạnh từ phía con.

Tâm lý của con ở tuổi này là thích chứng minh bản thân, thích mọi người lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Mà mình càng bắt ép thì con sẽ càng chống đối lại. Cách nói chuyện với con ở giai đoạn này là biết đặt câu hỏi để con nói, rồi sau đó đặt câu hỏi để gợi mở cho con cách nào là tốt hơn.

Cha mẹ luôn phải nhớ nguyên tắc: Nếu không bình tĩnh thì không bao giờ dạy được con. Người lớn hãy cố gắng kiềm chế nóng giận trong những lúc con tỏ ra ngang bướng hoặc tỏ thái độ thù nghịch.

Đợi đến khi không khí lắng dịu, bố mẹ sẽ bình tĩnh ngồi lại và nhẹ nhàng, ân cần nói chuyện với con trên nguyên tắc tôn trọng, đồng cảm.

Hướng trẻ cách tiếp cận tình huống bình tĩnh, gợi ý lựa chọn để trẻ quyết định

 Giúp con có sự lựa chọn và quyết định, điều này giúp con không bị cảm thấy ép buộc.

Trẻ em thường thích học theo cha mẹ, vì vậy chúng ta nên làm mẫu cho hành vi và hành động của trẻ bằng cách dạy trẻ bình tĩnh. Nếu trẻ nổi cơn thịnh nộ và bạn bắt đầu la mắng, điều đó sẽ trở nên bình thường đối với chúng. Vì vậy, bạn hãy chỉ cho trẻ một cách khác để đối phó với cảm xúc của chúng.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, để con bạn được lựa chọn sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu cảm thấy được kiểm soát của chúng. Nếu trẻ phải đóng máy tính, cất điện thoại và sau đó đánh răng, hãy hỏi trẻ xem chúng muốn làm cái nào trước. Từ đó giúp con có sự lựa chọn và quyết định, điều này giúp con không bị cảm thấy ép buộc.

Cách dạy trẻ bướng bỉnh: Hãy hướng con tới phản ứng tích cực

 

Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực từ bạn sẽ chỉ khiến trẻ ngày càng hướng theo sự tiêu cực này
Đôi khi, bạn có thể nổi nóng khi con thường xuyên có những hành vi bướng bỉnh, tiêu cực, chống đối với mình. Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực từ bạn sẽ chỉ khiến trẻ ngày càng hướng theo sự tiêu cực này. Con luôn bướng bỉnh, không nghe lời có thể do bạn cũng đã thường xuyên nóng nảy hay từ chối những mong muốn chính đáng của bé đấy.

 

Vậy nên để trẻ hợp tác hơn, bạn hãy cố gắng hướng hành vi của trẻ theo chiều hướng tích cực. Một cách để ba mẹ có thể có phản ứng vui vẻ, tích cực từ trẻ là hỏi con những câu tích cực như “Con thích đi đạp xe không?”, “Con thích ăn kem không?” hay “Con thích đi tưới cây không?”. Những câu hỏi này thường sẽ gợi được phản ứng hào hứng, vui vẻ từ bé và giúp bé có cảm giác mình được lắng nghe. Khi đã vui vẻ, tích cực, bé sẽ ngoan ngoãn, hợp tác với bạn hơn đấy.

Tuổi dậy thì như một cơn lũ, dù sớm hay muộn nó cũng sẽ đến. Khi con có xu hướng bướng bỉnh, khó bảo cha mẹ chọn cách đối đầu  sẽ chỉ khiến tức nước vỡ bờ và mối quan hệ đi vào ngõ cụt, không thể tìm thấy tiếng nói chung từ 2 phía. Đừng nói con hư, hãy chỉ nghĩ rằng việc con bướng bỉnh chính là cách bộc lộ mong muốn nhận được sự quan tâm, yêu thương, thấu hiểu của cha mẹ cũng như được mọi người tin tưởng, động viên. Dẫu biết hành trình ấy còn nhiều gian nan nhưng chỉ cần có cha mẹ luôn ở bên, con sẽ lớn lên và phát triển một cách toàn diện.

Mẹ đừng quên theo dõi Purecotton để có thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con hữu ích cùng rất nhiều sản phẩm đồ lót dành riêng cho bé nhé!

 Purecotton - Thương hiệu đồ lót số 1 cho trẻ dậy thì Việt Nam!

 

Làm bạn cùng conNuôi dạy conThấu hiểu con